Hãy Vui Lên
Chúa Nhật
3 Mùa Vọng Năm B - Phúc âm: Ga 1, 6-8. 19-28
Giảng thuyết: Lm. GB Nguyễn Đình Hoàng
Chúa Nhật hôm nay được gọi là
Chúa Nhật Gaudete, từ tiếng Latinh - có ý
nghĩa là "hãy vui lên". Sứ điệp "hãy vui
lên" được cả 3 bài đọc nhắc tới. Vậy thì "vui
là gì và thế nào là vui?" Theo định nghĩa,
thì "vui" là một trạng thái tình cảm mà
trong đó con người ta đạt được sự hài lòng,
thỏa mãn. Niềm vui làm cho cuộc sống con
người phấn khởi, làm cho con người gia tăng
nghị lực, khiến con người dễ dàng mở rộng
trái tim để yêu thương, đón nhận, và chia sẻ.
Kinh nghiệm cá nhân cho chúng ta thấy,
khi ta đang vui thì ta thấy cái gì cũng tốt đẹp, cái gì
cũng dễ thương, và trong lúc chúng ta đang vui, thì
chúng ta cũng dễ dàng làm bất cứ việc gì. Vui là một
trạng thái của nội tâm, ở trong lòng hơn là trạng thái
của ngoại cảnh. Vì trên thực tế, khi người ta đang vui,
thì dù ở đâu và đang làm công việc gì, dù ngoại cảnh,
khung cảnh như thế nào, thì người ta vẫn vui… và ngược
lại, không bao giờ tồn tại một những cảnh vật vui tươi,
đẹp đẽ, dễ thương đối với một người đang buồn. Vì thế
mới có câu "người buồn thì cảnh có vui bao giờ".
Vì thế, con người luôn khao khát và mong
mỏi kiếm tìm niềm vui cho mình. Và càng ngày thì con
người ta càng biết tận hưởng cuộc sống, ngày càng biết
dùng các loại phương thức khác nhau để tiêu khiển, để
kiếm tìm niềm vui. Nào là lên mạng để vui chơi, rồi đi
du lịch, chơi thể thao, tụ họp ăn uống, hát karaoke,
thậm chí còn dùng đến cả những thuốc kích thích để tìm
kiếm niềm vui và sự thỏa mãn. Thế nhưng, có phải những
thứ này sẽ mang lại cho con người niềm vui hay không?
Đi du lịch riết rồi cũng sẽ chán, tụ họp ăn uống, hát
karaoke thì sẽ vui đó, nhưng sau buổi tiệc sẽ như thế
nào? Niềm vui đó có còn kéo dài nữa không? Nhậu nhẹt,
hút sách làm cho người ta vui lúc đó, thoả mãn chút đó,
thế nhưng sau đó họ có vui nữa hay không? Hay là khi
trở về nhà, trở lại với chính bản thân họ, thì vẫn thấy
lòng cô đơn, vẫn lạc lòng, vẫn buồn và chán chường. Và
hình như trong cuộc sống này, chẳng có cuộc vui nào là
trọn vẹn, chẳng có niềm vui nào là hoàn hảo. Vì khi
những điều kiện thỏa mãn không còn nữa, thì niềm vui của
chúng ta sẽ chóng biến tan.
Cuộc sống vốn dĩ là vô thường, vốn dĩ là
bất toàn và tạm thời, vì thế những gì mà con người ta
tìm kiếm ở cuộc sống này cũng chỉ là những thứ tạm thời
và cũng chỉ là tạm bợ mà thôi. Con người chẳng bao giờ
có thể thỏa mãn và có thể lấp đầy cuộc sống mình bằng
những niềm vui nơi cuộc sống tạm bợ này; vì thế mà Giáo
Hội hôm nay kêu gọi chúng ta "hãy vui lên". Như vậy thì
chúng ta phải vui như thế nào…hay là chúng ta có thể vui
được không khi cuộc sống chúng ta có quá nhiều nỗi buồn,
có quá nhiều niềm đau, và có nhiều nỗi lo lắng như hiện
nay.
Làm sao chúng ta có thể vui
lên trong khi cơn đại dịch Covid vẫn đang hoành hành,
làm sao chúng ta có thể vui lên khi người thân của chúng
ta bị nhiễm bệnh và đang phải nằm bệnh viện điều trị,
làm sao chúng ta có thể vui lên khi người thân của chúng
ta bị chết do con virus Vũ Hán này? Làm sao chúng ta
vui lên được khi bị mất việc làm, khi đang phải lo lắng
vì kinh tế gia đình đang eo hẹp? Làm sao chúng ta có
thể vui lên được khi con cái nói không nghe lời, bướng
bỉnh, học hành không tới đâu, chỉ biết chơi game, lười
biếng…làm sao chúng vui lên được khi trong gia đình đang
bất hòa, vợ chồng giận hờn nhau, anh chị em không hòa
thuận với nhau. Làm sao chúng ta vui được khi bị bạn bè
hiểu lầm, khi bị người khác nghi kỵ, dèm pha, nói xấu
sau lưng
Phải chăng, vì là phận người,
vì là sống trong kiếp người với những khổ đau và bất
hạnh đó, nên chúng ta không thể vui được…..chẳng lẽ đời
cứ mãi khổ, cứ mãi đau, cứ mãi thất vọng vậy sao. Nếu
mà như vậy thì cuộc sống con người quả thật là bất hạnh.
Nhưng theo tôi nghĩ, cũng chưa hẳn là vậy….không phải
là vì là con người nên ta không thể vui được….mặc dù
cuộc sống con người luôn phải đối diện với những đau khổ
"buồn nhiều hơn vui đó" …nhưng mà là cách ta tiếp cận nó,
cách ta sống với kiếp người như thế nào mới là cái điều
quan trọng…và đặc biết nhất là cái niềm tin Kitô giáo
của chúng ta cho ta một cái nhìn vượt lên những đau khổ
và bất hạnh của kiếp người.
 |
Thánh Phaolô
tông đồ nói với chúng ta trong bài đọc 2 hôm
nay "Anh em hãy vui mừng luôn".
Thánh nhân mời gọi chúng ta "Hãy vui mừng
luôn", nhưng Ngài còn nói thêm "Hãy
cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc anh
em hãy cảm tạ Thiên Chúa". Như vậy thì
nếu chúng ta muốn có được niềm vui luôn mãi
thì chúng ta hãy biết cầu nguyện và biết cảm
tạ Thiên Chúa trong mọi việc. Vì thế niềm
vui của người Kitô hữu chúng ta không phải
là niềm vui của tâm trạng mình, mà đó chính
là niềm vui "chúng ta đang có Chúa, chúng ta
đang có một sự liên hệ mật thiết với Chúa".
Và khi con người ta mà đã có Chúa rồi, và đã
có một sự liên hệ mất thiết với Chúa rồi,
thì con người sẽ có niềm vui lớn lao.
Một kinh nghiệm mà tôi nghĩ
tất cả chúng ta đều cảm nghiệm được trong đời sống đạo
của mình là lúc chúng ta đi xưng tội. Khi chúng ta phạm
tội, khi chúng ta đang sống trong tội, chúng ta thấy tâm
hồn của ta nó bất an lắm, chúng ta cảm thấy như có một
cái gì đó, nặng nề nó đang đè trên con người và trong
tâm hồn của ta, thế nhưng khi chúng ta đi xưng tội xong,
chỉ cần bước ra khỏi tòa giải tội là chúng ta cảm nhận
được sự bình an, sự nhẹ nhàng, và thư thái tâm hồn lắm.
Có phải không?
Sáng hôm qua có người gọi
điện thoại cho tôi, bà cụ nói: "Thưa cha, cha cho con
xưng tội, mấy hôm nay con sợ lắm, con ngủ không được".
Vì là không phải khẩn cấp nên tôi nói: "Giờ con chuẩn bị
dâng lễ….sau lễ thì khuya rồi, mai thì con cũng dâng lễ,
rồi cũng mệt….thôi thì để thứ Hai con tới con giải tội
cho cụ? Mà cụ nói: "Thứ Hai thì lâu quá cha ơi, cha cho
con xưng tội liền, chứ con sợ lắm." Vậy là tối qua, sau
khi dâng Lễ Mỹ xong, tôi chạy tới cho cụ xưng tội. Xưng
xong cụ cười nói: "giờ con hết sợ rồi".
 |
Vì thế, khi mà
Giáo Hội và Lời Chúa mời gọi ta ta "vui mừng
lên" thì không phải là không có lý do của
nó. Chúa đang đến để giải thoát ta khỏi
những đau khổ của kiếp người, khỏi những đau
khổ do hậu quả tội lỗi. Ngài chữa lành và
lấp đầy trong ta những khát vọng trong tâm
hồn con người….cho nên ta phải vui mừng. Vì
niềm vui của thời Đấng Cứu Thế là niềm vui
của bình an. Còn nếu mà ta chưa được
vui, ta chưa thấy được bình an thì ta phải
xét lại mình, ta phải xét lại cách sống và
cách ứng xử của ta với Chúa và với anh chị
em của ta.
Vì thế, nếu đời Kitô của chúng ta mà chưa
vui được là vì trong lòng ta còn xa Chúa, trong lòng ta
còn có nhiều tội lỗi, còn có nhiều những ghen tị, giận
hờn, còn có nhiều những ích kỷ nhỏ nhen, còn có những
tranh giành hơn thua, còn có những dối gian lọc lừa. Ta
càng ôm trong lòng nhiều tính xấu, và càng ôm cái tôi
của mình, thì đời của ta khó để mà sống được bình an,
khó để mà vui được.
Vì thế, trong Chúa Nhật hôm nay, chúng ta
được mời gọi để sống trong sự liên hệ mật thiết với Chúa
qua việc siêng năng cầu nguyện, qua việc ta sống tín
thác vào Chúa. Vì tự bản chất, niềm vui của người Kitô
hữu đặt trên nền tảng có Chúa – vì thế nơi nào có Chúa,
thì ở nơi đó có niềm vui thực sự. Các Thánh cho chúng
ta mẫu gương đó - đời sống của các thánh luôn sống trong
niềm và luôn có niềm vui ngay cả khi các ngài đang bị
khổ cực, đau đớn, cô đơn, đói khát, tù đày, bị ngược đãi,
hoặc bị đối xử tàn nhẫn.
Ước mong sao, trong những ngày này, thời
gian chúng ta chuẩn bị để đón chờ Chúa đến, mỗi người
chúng ta luôn biết sửa soạn tâm hồn của mình, để đón
mừng Chúa đến. Và nhất là trong Thánh Lễ hôm nay, chúng
ta được đón rước Chúa đến với chúng ta qua Bí Tích Thánh
Thể, chúng ta biết để cho Chúa uốn nắn đời ta, chúng ta
dám để cho Chúa thay đổi đời ta, chúng ta dám phó thác
đời ta cho Chúa. Nhờ đó, khi có Chúa ở với ta, với gia
đình ta, thì cuộc sống cá nhân, cuộc sống gia đình của
ta mới thực sự có niềm vui và bình an. Chính Chúa sẽ
mang đến sự bình an và niềm vui mà không ai, và không có
hoàn cảnh nào có thể làm mất đi được. Xin Chúa giúp mỗi
người chúng ta luôn biết sống tín thác, cậy trông, và
lạc quan nơi Ngài.
Lm.
GB Nguyễn Đình Hoàng

|