|
|
Hãy Vui Lên CN 3 Mùa Vọng năm C (Phúc Âm: Lc 3, 10-18) Giảng thuyết: Lm. GB Nguyễn Đình Hoàng
Chúa Nhật hôm nay được gọi là Chúa Nhật Hồng - từ tiếng Latinh - Gaudete, có nghĩa là “hãy vui lên”. Sứ điệp “Hãy vui lên” được cả 3 bài đọc nhắc tới. Vậy thì “vui là gì và thế nào là vui?” Theo định nghĩa, thì “vui” là một trạng thái tình cảm, trong đó người ta đạt được sự thỏa mãn và hài lòng. Nhờ niềm vui mà cuộc sống con người được phấn khởi, được gia tăng nghị lực, khiến con người ta dễ dàng mở rộng trái tim để yêu thương, đón nhận, và chia sẻ. Kinh nghiệm cá nhân cho chúng ta thấy, khi ta đang vui thì cái gì cũng đẹp, cũng hay, cũng dễ thương, và trong lúc chúng ta đang vui, thì chúng ta cũng dễ dàng làm bất cứ việc gì, và dễ dàng hứa đủ thứ điều. Vì thế mà có lời khuyên là “đừng bao giờ hứa khi đang vui”. Vui là một trạng thái của nội tâm, nó ở trong lòng hơn là trạng thái của ngoại cảnh, hay là những gì đang xảy ra chung quanh. Khi người ta đang vui, thì dù ở đâu và đang làm công việc gì, dù khung cảnh như thế nào, thì người ta vẫn vui. Ngược lại, khi đang buồn thì không có cái gì: dù là phong cảnh đẹp như thơ, cũng không làm họ vui được. Nên mới có câu “người buồn thì cảnh có vui bao giờ”. Vì thế, trong cuộc sống hằng ngày, con người ta luôn khao khát tìm kiếm cho mình thật nhiều niềm vui. Càng ngày thì người ta càng biết tận hưởng cuộc sống và tìm nhiều phương thức khác nhau để tìm vui. Nào là tụ họp ăn uống, hát hò, thậm chí còn dùng đến cả những chất kích thích để tìm niềm vui và sự thỏa mãn. Thế nhưng, có phải những thứ này sẽ mang lại cho con người niềm vui hay không? Tụ họp ăn uống, hát hò thì sẽ vui đó, nhưng sau buổi tiệc sẽ như thế nào? Niềm vui đó có còn kéo dài nữa không? Nhậu nhẹt, hút sách làm cho người ta vui đó, thoả mãn lúc đó, thế nhưng sau đó có vui nữa không? Hay là khi trở về nhà, trở lại với chính bản thân mình, thì vẫn còn đó những nỗi buồn: vẫn thấy lòng cô đơn, vẫn lạc lõng, và chán chường. Và hình như, trong cuộc sống này, chẳng có cuộc vui nào là trọn vẹn cả. Vì khi những điều kiện thỏa mãn không còn nữa, tất cả chỉ còn lại nỗi cô đơn và trống vắng. Cuộc sống vốn dĩ là vô thường, tạm thời, đầy những bất toàn. Những gì mà con người ta tìm kiếm trong cuộc sống này cũng chỉ là những thứ tạm bợ, phù du mà thôi. Con người chẳng bao giờ có thể thỏa mãn và có thể lấp đầy cuộc sống mình bằng những niềm vui nơi trần thế này; vậy mà hôm nay, giữa Mùa Vọng - mùa của đợi chờ, thì Giáo Hội lại kêu gọi chúng ta “hãy vui lên”. Chúng ta phải vui như thế nào…hay là chúng ta có thể vui được không khi cuộc sống chúng ta có quá nhiều nỗi buồn, có quá nhiều niềm đau, và có nhiều nỗi lo lắng như hiện nay. Làm sao chúng ta có thể vui lên trong khi cơn đại dịch Covid vẫn đang lan tràn và đang có nguy cơ bùng phát trở lại, do các biến thể của con virus Vũ Hán, từ Delta cho tới Omicron. Làm sao chúng ta có thể vui khi người thân của chúng ta bị nhiễm bệnh và đang phải cách ly, hay đang nằm tại bệnh viện điều trị; làm sao chúng ta có thể vui được khi người thân của chúng ta bị chết bởi con Covid, hay bởi những tai nạn, sự kiện khác? Làm sao chúng ta có thể vui được khi con cái nói không nghe lời, bướng bỉnh; làm sao chúng ta vui được khi trong gia đình đang bất hòa, vợ chồng giận hờn nhau, anh chị em không hòa thuận, người thân chia rẽ. Làm sao chúng ta vui được khi bị bạn bè hiểu lầm, khi bị người khác nghi kỵ, dèm pha, nói xấu sau lưng Chẳng lẽ vì là phận người - sống với những khổ đau và bất hạnh đó, nên chúng ta không thể vui được. Nếu mà như thế thì cuộc sống con người quả thật là bất hạnh. Theo tôi nghĩ thì không phải là vì sống trong kiếp người nên chúng ta không thể vui được. Dẫu biết rằng cuộc sống con người luôn phải đối diện với những đau khổ “buồn nhiều hơn vui đó”, nhưng cách ta tiếp cận nó, cách ta sống với kiếp người như thế nào mới là cái điều quan trọng. Đặc biết nhất là cái niềm tin Kitô giáo của chúng ta cho ta một cái nhìn vượt lên những đau khổ và bất hạnh của kiếp người. Chúng ta nghe lại lời của tiên tri Xôphônia nói với dân Do Thái lúc đang lưu đày tại Babylon “Hỡi Israel, hãy hân hoan. Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nhảy mừng. Chúa đã rút lại lời kết án. Vua Israel là Chúa đang ở giữa ngươi, ngươi sẽ không còn sợ tai hoạ nữa”. Thánh Phaolô, trong bài đọc 2 cũng kêu gọi chúng ta “anh em hãy vui mừng luôn trong Chúa, tôi nhắc lại một lần nữa, anh em hãy vui lên, vì Chúa đã đến gần” Niềm vui là ở chổ đó. Niềm vui đó không chỉ dành riêng cho con cái Israel, mà niềm vui đó còn cho tất cả chúng ta hôm nay. Chính vì thế mà trong Mùa Vọng, Chúa Nhật III mời gọi chúng ta phải “vui”. Vui vì Chúa đã đến và đang ở giữa chúng ta. Và vì thế, người Kitô hữu chúng ta vẫn có thể mỉm cười trong đau khổ, và vui tươi trong thử thách; bởi vì chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa vẫn hiện diện ngay cả trong đau khổ , thử thách của chúng ta. Ngài hiện diện để nâng đỡ, để ủi an, để xoa dịu những bất hạnh, những khổ đau của con người. Và cái điều quan trọng nhất của niềm vui trong phụng vụ hôm nay, đó chính là - chúng ta đã được cứu độ, bởi vì như trong bài đọc 1, tiên tri Xôphônia nói với chúng ta “Chúa đã rút lại lời kết án”. Cho nên không có niềm vui nào bằng niềm vui của người tội lỗi được Chúa thứ tha, không có niềm vui nào bằng niềm vui của người có tội mà không bị kết án; không có niềm vui nào bằng niềm vui - từ nay con người được giao hòa với Thiên Chúa và sống với Thiên Chúa. Vì thế, khi mà Giáo Hội và Lời Chúa mời gọi chúng ta “hãy vui lên” giữa lúc chúng ta đang đợi chờ thì không phải là không có lý do của nó. Chúa đang đến để giải thoát chúng ta khỏi những đau khổ của kiếp người, khỏi những đau khổ do hậu quả tội lỗi. Ngài đến để chữa lành và lấp đầy những khát vọng trong tâm hồn của chúng ta. Vì thế niềm vui của thời Đấng Cứu Thế là niềm vui của bình an, và là niềm vui đích thực và nó tồn tại vĩnh cữu. Vì thế, đời Kitô hữu chúng ta phải là một đời đầy niềm vui. Còn nếu mà ta chưa được vui thì ta phải xét lại mình, ta phải xét lại cách sống và cách ứng xử của ta với Chúa và với anh chị em của ta. Ta chưa vui được vì tâm hồn ta còn xa Chúa, do bởi tội lỗi: tội thiếu sót, tội xúc phạm, tội làm tổn thương đến Chúa và đến anh chị em. Vậy thì “chúng ta phải làm gì hôm nay”. Thánh Gioan Tẩy Giả, trong bài Tin Mừng hôm nay, đã chỉ cho chúng ta, “Ai có hai áo thì hãy chia cho người không có. Ai có cái ăn thì cũng làm như vậy” – rồi “đừng đòi hỏi quá mức ấn định, “đừng hà hiếp, đừng bỏ vạ cáo gian ai”. Thánh Gioan đã đưa ra những việc làm cụ thể: sống bác ái, sống hiền hoà, công bằng chính trực, biết chia sẻ, biết chấp nhận thực tại. Cho nên chúng ta mới thấy, sống đời Kitô hữu là chúng ta không thể đứng ngoài xã hội và dửng dưng vô cảm trước mọi con người và mọi biến cố. Ngược lại, chúng ta phải chia sẻ và gánh vác trách nhiệm với anh chị em đồng loại: ở trong gia đình và ngoài xã hội. Chúng ta phải sống liên đới với người nghèo và người bất hạnh; chúng ta phải sống công bình với tha nhân; sống hoà hợp và hoà đồng với mọi người; phải biết khơi dậy niềm vui cho những ai đang thất vọng và chán chường; đặc biệt nhất là chúng ta phải biết đón nhận những niềm vui nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Bởi người ta nói “Phải có những ngày tù đày, chúng ta mới thấy được giá trị của hai chữ tự do; phải có sống xa gia đình, chúng ta mới nhung nhớ những ngày sống bên những người thân. Có những lúc nằm quằn quại trên giường bệnh, chúng ta mới thấy được giá trị của sức khỏe”. Cuộc sống của chúng ta tràn ngập những niềm vui nhỏ mà chỉ khi nào mất đi, chúng ta mới cảm thấy luyến tiếc. Vì thế, chúng ta phải biết đón nhận từng phút giây trong cuộc sống với những niềm vui và lòng tri ân. Chúng ta cần phải nhìn xuyên qua những mất mát, thua thiệt, và ngay cả khổ đau, để thấy bàn tay quan phòng nâng đỡ của Chúa. Chính Chúa Giêsu không bao giờ loan báo cái chết một cách riêng rẽ, Ngài luôn gắn liền nó với sự Phục Sinh. Vì thế, giữa một xã hội chỉ có tin buồn của thất vọng, chúng ta được mời gọi để loan báo tin mừng của sự phó thác. Giữa một xã hội chỉ có tin buồn của dối trá, lường gạt, chúng ta cần phải loan báo tin mừng của lòng chân thật và sự ngay thẳng. Giữa một xã hội chỉ loan báo tin buồn của ích kỷ, nhỏ nhen, chúng ta được mời gọi để loan báo tin mừng của quảng đại, yêu thương, tha thứ, và cảm thông. Ước gì phụng vụ hôm nay, giúp chúng ta sống với tâm tình vui mừng để chuẩn bị đón Chúa đến trong Lễ Giáng Sinh. Niềm vui đón chờ Chúa đến trong Lễ Giáng Sinh là niềm vui được thức tỉnh và được cứu độ qua việc sám hối và hoán cải đời sống. Và việc sám hối đó phải được thực hiện nơi Bí Tích Giải Tội. Vì thế hôm nay, cái niềm vui mà phụng vụ mời gọi chính là niềm vui: chúng ta được giao hòa với Chúa. Vì thế, xin mọi người chúng ta cùng chuẩn bị tâm hồn, để đón nhận niềm vui mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện với chúng ta qua việc chúng ta xưng tội hôm nay. Xin tất cả chúng ta cùng ở lại sau Thánh Lễ để xưng tội, để được giao hòa với Chúa và với anh chị em mình. Lm. GB Nguyễn Đình Hoàng
|