Chúa Nhật 4 Mùa Vọng

Phúc Âm: Lc 1, 39-45 "Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi".

Giảng thuyết: Lm. GB Nguyễn Đình Hoàng

Thăm viếng là một việc làm rất quen thuộc trong cuộc sống con người.  Cha mẹ thăm viếng con cái, con cái thăm viếng cha mẹ, bạn bè thăm viếng nhau, anh chị em thăm hỏi nhau khi buồn cũng khi vui, khi thành công, lúc thất bại.  Thăm viếng, hỏi thăm nhau không thể thiếu trong cuộc sống, bởi vì nó thể hiện sự quan tâm và sự thân tình mà ta dành nhau. 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng được nghe lại cuộc thăm viếng của Mẹ Maria với người chị họ của mình là bà Elizabeth.  Chắc chắn trong cuộc đời của mình, Đức Mẹ cũng đã có những cuộc thăm viếng khác tới gia đình, tới người thân, và tới bạn bè, thế nhưng cuộc thăm viếng lần này là đặc biệt nhất.

Cuộc thăm viếng lần nay đặc biệt bởi nó không chỉ là cuộc thăm viếng bình thường mà là cuộc thăm viếng của Mẹ Thiên Chúa dành cho một người chị họ đang cưu mang một vị tiền hô của Thiên Chúa như lời bà Êlizabeth đã nói: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì nay, tai tôi vừa nghe lời bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi.”

Cuộc thăm viếng ấy đặc biệt bởi đây là cuộc thăm viếng đem lại niềm vui cứu độ.  Mẹ Maria đang cưu mang trong lòng Ngôi Hai Thiên Chúa.  Bà Êlizabeth đang mang thai thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Chúa.  Vì thế, Mẹ đến thăm là để đem Chúa Cứu Thế đến với gia đình Dacaria: Gioan Tẩy Giả đã nhảy lên trong bụng mẹ vì vui sướng.  Bà Êlizabeth không thể kiềm chế được niềm vui ơn cứu độ đã phải thốt lên lời tán dương Đức Mẹ.

Cuộc viếng thăm ấy đặc biệt bởi cuộc đối thoại của hai phụ nữ đang mang thai. Họ không nói với nhau về cuộc sống hiện tại, về tương lai của hai đứa trẻ sẽ chào đời, về những gì xảy ra cho họ hay những người chung quanh.  Trái lại, họ cùng nhau ca ngợi tình thương nhiệm mầu của Thiên Chúa.  Bà Êlizabeth nói với Đức Mẹ lời kinh kính mừng mà chúng ta đọc trong chuỗi kinh mân côi: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và con lòng bà được chúc phúc".  Còn Mẹ Maria thì ca ngợi Thiên Chúa bằng một bài ca magnificat… “linh hồn tôi ngợi khen Chúa…”   Trong bài ca manificat đó, Mẹ tạ ơn Chúa vì những gì Thiên Chúa đã làm cho Mẹ, làm cho Israel và làm cho nhân loại.

Mẹ Maria đã có cuộc viếng thăm đặc biệt, một cuộc viếng thăm có mục đích vượt xa những gì con người bình thường vẫn làm cho nhau. Mẹ viếng thăm để đem niềm vui cứu độ đến với gia đình Êlizabeth, và qua đó mang niềm vui ơn cứu độ đến cho tất cả con người chúng ta.

Trong cuộc đời của mỗi người, cũng như Đức Mẹ, chúng ta cũng đã có những cuộc thăm viếng nhau, chúng ta cũng đã từng đi thăm gia đình, đi thăm người thân, bạn bè, và những người quen biết….bởi thăm viếng nhau, tự bản chất, là một thứ đạo đức, mang đậm tình nghĩa con người, một nét đẹp nhân bản, một sự liên kết mật thiết giữa con người với nhau.  Thăm viếng còn có một sức mạnh có thể giúp biến đổi và sưởi ấm tình người.  Thăm viếng cũng giúp phá vỡ những rào cản, những hiểu lầm, và có thể giúp nhau đứng dậy cho những ai đang tuyệt vọng.  Thế nhưng, trong thời đại ngày nay, nét đẹp của sự thăm viếng ấy đang ngày càng mất đi.  Có chăng người ta chỉ thăm nhau hay đến với nhau có tính cách xã giao hời hợt.  Người ta rất ít thăm viếng nhau chỉ vì không có thời gian.  Có chăng cũng chỉ tiếp xúc qua email, qua mạng, qua điện thoại.  Và chính vì thường “xa mặt” nên người ta cũng rất dễ “cách lòng”.  

Áp lực cuộc sống làm cho con người không còn nhiều thời gian dành cho gia đình, cho người thân, và bạn bè, vì thế mà có tình trạng đổ vỡ hạnh phúc trong gia đình, làm rạn nứt và trở nên hời hợt và xa lạ với nhau.  Ngay trong cùng một gia đình, người ta cũng không còn thời gian để hiện diện, để lắng nghe, để chia sẻ với nhau những tâm sự của nhau, nói chi đến người ngoài.  Giữa cuộc sống bộn bề lo toan, vất vả nhọc nhằn, biết cho nhau sự thăm viếng, sự hiện diện là điều rất đáng quý.  Thăm viếng và hiện diện bên cạnh một người bệnh để lắng nghe họ tâm sự cũng là góp phần chữa lành họ. Có mặt bên cạnh một gia đình đang gặp chuyện bất hoà để chia sẻ nỗi niềm của họ cũng là góp phần hàn gắn gia đình họ trước nguy cơ rạn vỡ.  Và nhất là, sự có mặt của ta bên cạnh cha mẹ già sẽ là những an ủi cho họ; có mặt bên cạnh một người đang còn cô đơn, sẽ khích lệ và nâng tinh thần họ lên

Vì cuộc đời đơn côi là nỗi buồn của kiếp người, nỗi buồn ấy như nhân lên trong cảnh cô đơn, tẻ lạnh, dửng dưng của con cái, của láng giềng.  Có lẽ con người ít sợ tuổi già hay bệnh tật hơn là sợ bị bỏ rơi, không còn được yêu thương.   Kiếp sống cô đơn đã đưa con người sống trong buồn tủi, co cụm, khép kín, ngay cả tuyệt vọng.  Lối sống “đèn nhà ai nhà nấy rạng” đang xây lên những bức tường ngăn cách tình người.

Vì thế hơn bao giờ hết, chúng ta rất cần những cuộc thăm viếng nhau trong cuộc sống hằng ngày; nhưng những cuộc thăm viếng của chúng ta chỉ mang lại ý nghĩa, niềm vui, và hạnh phúc cho nhau, khi nó giống cuộc thăm viếng của Đức Mẹ đối với bà Elizabeth hôm nay - nghĩa là cuộc thăm viếng ấy phải hoàn toàn phát xuất tính vô vị lợi, và nhất là cuộc thăm viếng ấy phải mang Chúa đến cho người khác.  Vì chỉ có những thăm viếng vô vị lợi và có Chúa thì cuộc thăm viếng ấy mới có mang được sự bình an, và niềm vui cho người khác.  Chỉ có khi nào ta viếng thăm người khác bằng tình yêu, bằng sự chân thật và chân thành, bằng cảm thông và bao dung, bằng chia sẻ và phục vụ, thì cuộc thăm viếng ấy mới thực sự là một sự thăm viếng cần thiết

Còn nếu thăm viếng mà ẩn ý dưới một nguồn lợi nào đó, một toan tính nào đó, thì cuộc thăm viếng đó coi chừng – nó không mang lại niềm vui, mà nó sẽ mang lại cho nhau nỗi buồn và đau khổ, cho nước mắt và chia ly.  Vì khi người ta mang hận thù oán ghét, ý nghĩ đen tối đến với nhau thì nảy sinh bất hoà và đau khổ.  Kinh nghiệm này thì chắc ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua….đó là khi chúng ta gặp nhau, chúng ta thăm viếng nhau….thì đó là những cơ hội để cho chúng ta nói hành, nói xấu nhau.  Chúng ta lôi chuyện của người này, lôi chuyện của người khác để chúng ta dèm pha, chúng ta bàn tán; chúng ta bêu rếu, nói không đúng sự thật, rồi hạ thấp giá trị, danh dự, tiếng tăm của người khác.  Có một nỗi buồn mà người Việt chúng ta thường mắc phải, đó là “khi người ta nói thì mình chỉ nghe có một nửa, hiểu thì chỉ có một phần tư, nhưng mà khi kể lại thì kể gấp hai, gấp ba”. 

Hôm nay, Lời Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy sống với tinh thần bác ái.  Đừng biến những cuộc thăm viếng, gặp gỡ của chúng ta thành những lần chúng ta lên án người này, kết án người kia, chỉ trích người này, phê phán người nọ.  Đừng bao giờ biến những cuộc thăm viếng của ta với người khác thành những xung đột, gây bất hòa, chia rẻ tình thân với nhau.  Cuộc thăm viếng của Mẹ Maria hôm nay, là cơ hội và là dịp để chúng ta cùng xét lại những cuộc thăm viếng của ta đối với cha mẹ, người thân, và bạn bè của ta.  Những cuộc thăm viếng, gặp gỡ của chúng ta có mang lại tiếng cười, niềm vui, và bình an cho nhau không? hay là những cuộc thăm viếng, gặp gỡ của chúng ta là những cuộc gặp gỡ mang đầy những khổ đau và nước mắt, mang đầy những hận thù, chia rẽ cho bản thân và cho anh chị em chung quanh. 

Chúng ta cầu xin Chúa, qua sự chuyển cầu của Mẹ, nâng những cuộc thăm viếng, những cuộc gặp gỡ tầm thường của chúng ta lên cao một chút, thêm ý nghĩa lên một chút – đó là ta biết mang Chúa đến cho nhau - nhờ đó mà ta có thể mang lại tiếng cười, niềm vui, và niềm hạnh phúc cho tất cả mọi người.    

Xin cho mỗi tín hữu chúng ta biết thực hiện nhiều cuộc viếng thăm trong đời sống hằng ngày không chỉ để chia sẻ, ủi an, động viên nhau vượt qua thử thách cuộc đời, nhưng còn viếng thăm để đem niềm vui có Chúa đến với anh chị em mình.

Lm. GB Nguyễn Đình Hoàng