Những
Thí Dụ
Nếu kể ra
đây tất cả những đoạn Tin Mừng nói tới ma quỷ thì quá dài. Chúng ta chỉ nên kể
ra những đoạn chính yếu.
Chúa
Giêsu khởi sự rao giảng ở Galilê, và thánh Marcô viết rằng Ngài "đuổi quỷ" (Mc
1,30). Trước khi Ngài giảng bài giảng trên núi, dân chúng quy tụ chung quanh
Ngài. Tại sao vậy? Thánh Luca cho chúng ta biết: "để được Ngài chữa bệnh, và tất
cả những ai bị thần ô uế dằn vặt đều được chữa lành cả" (Lc 6,18). Vì, như thánh
Matthêu nói: "Người ta dẫn đến với Ngài tất cả những ai lâm tình trạng khốn khổ,
bị những bệnh tật và đau khổ khác nhau, cả những người bị quỷ nhập, điên dại và
bại liệt" (Mt 4,24).
Khi nói
tới Maria Mađalêna, thánh Luca nói rõ là nàng được Chúa Giêsu chữa cho khỏi "bảy
quỷ" (Lc 8,2). Khi sai các môn đệ rao giảng ở Galilê, Chúa Giêsu ban cho họ
quyền năng trên ma quỷ. Khi họ trở về, Ngài nói với họ: "Ta đã thấy Satan từ
trời rơi xuống như một ánh chớp" (Lc 10,17-20).
Một hôm
Chúa Giêsu chữa lành người phụ nữ mà "quỷ dữ đã khiến cho đau ốm suốt 18 năm".
Khi người cai quản nhà hội bất bình với Chúa vì hôm đó là ngày sa-bát, thì Chúa
Giêsu trả lời: "Đồ giả hình! Trong ngày sa-bát, há các ngươi chẳng thả bò hay
lừa trong chuồng ra dẫn chúng đi uống nước sao? Còn người con gái của Abraham
đây, ma quỷ đã cầm buộc suốt 18 năm nay, lại chẳng nên cởi trói cho nó trong
ngày sa-bát sao?" (Lc 13,10-17).
Chúng ta
hãy nhớ có lần Chúa đuổi bọn quỷ tự xưng là đám đông, vì chúng cư ngụ rất đông ở
trong người bị chúng ám đó. "Đám đông" ấy xin Ngài cho phép chúng nhập vào đàn
heo. Ngài cho phép, và tất cả đàn heo đều nhảy xuống hồ chết đuối hết (xem cả ba
Tin Mừng nhất lãm, nhất là Mc 5,1-20).
Cái nét
khôi hài trong trình thuật này khiến người ta hết sức chú ý. Các con quỷ được mô
tả hoàn toàn đúng. Người ta cảm nhận được bản chất và tính tình của chúng.
Người ta thấy được "tâm lý"
của chúng. Chúng ta lại trở
lại vấn đề này: khi chúng nhập vào một người nào thì chúng làm gì? Đức Cha
Catherinet viết: "Chúng đặt để và thực hiện ở đó những rối loạn bệnh tật tương
tự như bệnh điên. Chúng có một cảm thức nhạy bén và biết Chúa Giêsu là ai. Chúng
phủ phục xuống lạy Ngài một cách trơ trẽn, xin xỏ Ngài, cầu khẩn Ngài như cầu
khẩn Thiên Chúa, lo sợ bị Ngài ném chúng trở lại "Vực Sâu". Để tránh điều đó,
chúng xin được nhập vào đàn heo và cư ngụ ở đó. Vừa mới nhập vào đàn heo thì
chúng đã làm hại đàn súc vật đó một cách dữ dằn và độc ác bằng một quyền năng
khiến chúng ta ngạc nhiên không kém tính hay thay đổi của chúng".
Trong
những trình thuật khác về đuổi quỷ của sách Tin Mừng, chúng ta đều thấy những
nét được kể ra sau đây ở nhiều mức độ khác nhau: sợ hãi, khúm núm, quyền năng,
bất lương, hay thay đổi và ngay cả tức cười nữa.
Tóm lại,
không những người Công giáo, mà ngay cả các sử gia nghiêm chỉnh cũng không thể
không nhận thấy rằng: Chúa Giêsu không phải chỉ nói một cách giới hạn như những
người đồng thời với Ngài vẫn nói, Ngài không có ý nói hùa theo sự dốt nát và
thành kiến của những người chung quanh Ngài, mà thực sự chính Ngài cũng tin rằng
Satan hiện diện và hoạt động trong thế gian, Ngài gìn giữ chúng ta chống lại
Satan, đến nỗi trong sách Tin Mừng, chỗ nào đọc cũng thấy có Satan. Điều đó
khiến chúng ta phải đặt vấn đề, một vấn đề mà chúng ta phải khảo sát một cách
hết sức chuyên chú.