Tại Sao
Có Quá
Nhiều Trường Hợp Bị Quỷ Nhập Như Thế?
Các trình thuật về ma quỷ
trong sách Tin Mừng có rất nhiều. Ma quỷ được nói đến rất nhiều, đến nỗi người
ta phải tự hỏi: như vậy có quá đáng không? Trong đời sống thường nhật, chắc chắn
người ta không gặp nhiều người bị quỷ nhập như Chúa Giêsu đã gặp. Các nhà phê
bình hiện đại - ít nhất là những người tự hào nhận mình là "phê bình độc lập" -
thế nào cũng cho rằng như vậy có vẻ không thật. Theo họ, đa số những người bị
quỷ nhập chỉ là những người bị chứng cuồng loạn, những kẻ nửa điên nửa khùng,
những kẻ bị chứng thác loạn...
Dẫu thực sự như vậy đi nữa,
dẫu khi chữa trị loại "bệnh" này, Chúa Giêsu có dùng khoa y học thời đó đi nữa,
thì Ngài cũng rất nổi tiếng vì đã thành công trong tất cả mọi trường hợp, nói
vắn tắt là giải cứu những người khốn khổ ấy khỏi căn bệnh của họ, và giúp họ trở
về trạng thái bình thường. Nhưng giải quyết vấn đề theo kiểu đó quả thật là quá
giản lược, nếu người ta xem xét lại những gì đã nói ở trên. Các bản văn Tin Mừng
phân biệt rất rõ ràng giữa những người bị quỷ nhập và những người bị các bệnh
khác. Những người bị quỷ nhập có những dấu hiệu rõ rệt chứng tỏ có một thứ trí
tuệ khác lạ cư ngụ trong họ. Thứ trí tuệ này lại tỏ ra thù nghịch với Chúa Giêsu
và chúng ta gọi nó là thứ trí tuệ của thần ác.
Tiếp theo cái "khởi ngôn" mà
chúng ta đã nói tới tầm quan trọng của nó, là việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong
sa mạc, nếu Satan không can thiệp vào hoạt động của Chúa Giêsu, hay chỉ đóng vai
trò phụ thuộc, thì như thế mới có chỗ cho chúng ta ngạc nhiên. Nhưng sự việc
không xảy ra như thế. Chúa Giêsu công khai coi mình như "kẻ mạnh" đến để trừ khử
nước của Satan trên thế gian. Nói cho đúng thì cuộc chiến đấu này chủ yếu xảy ra
trong vô hình, trong địa hạt của ân sủng và tội lỗi. Và cứ như thế cho đến ngày
tận thế. Nhưng vì được Thiên Chúa cho phép, cuộc chiến đấu rất vĩ đại và kéo dài
từ thế kỉ này sang thế kỷ khác đó cũng thể hiện ra thành những dấu hiệu hữu hình,
và để lại cho chúng ta những trình thuật rất ngoạn mục. Nhưng những trình thuật
này không phải là cái cốt yếu. Đừng quên điều đó. Dẫu trong tác phẩm này chúng
tôi nhấn mạnh tới chúng, thì chúng ta cũng không nên coi chúng quan trọng quá!
Điều cốt yếu, đó là số phận các linh hồn, là sự lựa chọn giữa thiên đàng và hoả
ngục, giữa tình yêu và hận thù, giữa hạnh phúc vĩnh cửu và án phạt đời đời! Ý
định của Thiên Chúa Quan Phòng là cho con người biết ít nhiều về quyền lực của
Satan, và quyền lực này xuống trước quyền lực của Đấng Cứu Thế.
Chúng ta hoàn toàn không bị
bó buộc tin rằng con số những người bị quỷ nhập mà Tin Mừng đề cập tới tương ứng
với một con số trung bình nào đó trong thế giới hồi ấy hay trong thế giới ngày
nay. Rất có thể, và cũng rất hợp lý, là chung quanh Chúa Giêsu, những trường hợp
đó xảy ra một cách hết sức thường xuyên. Sự kết hợp giữa thần tính và nhân tính
tạo nên nhân vị nơi con người Chúa Giêsu, vừa là Con của Loài Người vừa là Con
của Thiên Chúa, sự kết hợp đó đã gây ra một đối kháng tương ứng mà Thiên Chúa
cho phép, là những biểu hiện của ma quỷ được gia tăng gấp bội và được lặp đi lặp
lại. Theo một nghĩa nào đó, hiện tượng quỷ nhập là một phản ứng, một bức hoạt kế
đáp trả lại việc nhập thể của Ngôi Lời. Lúc đó, người ngoại giáo và ngay cả
người Do Thái giáo trở nên cứng lòng tin đối với thế giới siêu nhiên, và đó cũng
là một trong những đặc tính của thời đại chúng ta hiện nay. Việc Chúa Giêsu đến
trần gian và rất nhiều trường hợp quỷ nhập xảy ra chung quanh Ngài, là một mạc
khải sâu sắc về thế giới siêu nhiên, được thể hiện trên hai bình diện bổ sung
lẫn nhau, là Thành của Thiên Chúa và Thành của Satan (Cité de Dieu et Cité de
Satan)!
Chính trong chiều hướng này
mà chúng ta nói rằng, đối với chúng ta, Tin Mừng rất là chuẩn (normatif). Nó đưa
ra những nguyên tắc, chiếu dọi ánh sáng, đặt ra luật lệ, soi sáng cho những thế
hệ tương lai bằng một thứ ánh sáng không bao giờ tắt. Tất cả những gì chúng ta
biết và tin về ma quỷ đều bắt nguồn từ các cuốn Tin Mừng. Đối với Kitô hữu, sự
hiện hữu và tính bất lương của ma quỷ là một tín điều phải tin. Định mạng của
chúng ta cũng tương tự như định mạng của các thiên thần hay của ma quỷ. Chúa
Giêsu nói: Chúng ta sẽ được thấy Thiên Chúa như các thiên thần đang thấy, hoặc
chúng ta sẽ bị chúc dữ như Satan và đồng bọn của nó.
Cần phải nói và nhắc lại tất
cả các điều đó trước khi chúng ta trở về với những sự kiện đương thời về chuyện
đó. Và để đi từ Phúc Âm tới những dữ kiện của thời đại, chỉ cần một khoảnh khắc
nhanh chóng!
Một cách tổng quát, chúng ta
phải coi chừng hai nguy hiểm này: một là đặt quá nặng về vấn đề ma quỷ, hai là
đặt quá nhẹ, coi nó như không có. Có những thế kỷ chỗ nào người ta cũng thấy có
ma quỷ, rồi lại có những thế kỷ người ta không còn muốn thấy ma quỷ ở đâu nữa.
Hai thái cực này đều sai lầm như nhau, dối trá như nhau, do đó đều phát xuất từ
Satan, là cha đẻ của mọi sự dối trá.