Lm. GB Nguyễn Đình Hoàng

Con người thì chẳng có ai hoàn hảo.  Ai cũng có những khuyết điểm.  Ai cũng có yếu đuối, có lỗi lầm.  Đó là lý do tại sao mà cuộc sống chung dễ khiến chúng ta làm tổn thương nhau.  Không cần biết chúng ta đã yêu nhau nhiều như thế nào, cẩn thận và tử tế như thế nào, vẫn có lúc chúng ta sẽ xúc phạm và làm đau lòng nhau.  Dù vô ý nhưng nó cũng để lại những vết thương lòng cho tha nhân.

Dù rằng chúng ta vẫn luôn hiểu rằng, phải nên sống tốt với nhau khi còn có thể, nhưng rồi, chẳng mấy ai làm được.  Có những lúc, chúng ta lại mượn danh nghĩa của tình yêu, danh nghĩa tình bạn để gây khổ đau cho người khác.  Rồi có những lúc ta đã dùng những câu từ sâu cay, mỉa mai, công kích mà không hề biết rằng, đằng sau màn hình, ở nơi đâu đó hoặc kế bên cạnh ta, có một người đang từng phút một đấu tranh với nỗi buồn, với vết đau, với những tổn thương do chính sự ác cảm do ta gây ra.

Phải chăng vì cuộc đời vốn dĩ hà khắc và cay đắng, mà thời gian thì cứ trôi qua, nên chẳng mấy ai nghĩ rằng, ngày chạm mặt nhau hôm nay, có thể lại là lần cuối cùng chúng ta biết đến sự hiện diện của nhau trên thế gian này.

Rồi một bỗng ngày nào đó, đọc được một mẩu tin, hay là có ai đó, cho ta biết rằng người đó vừa rời khỏi nhân thế, rời khỏi những bi thương chồng chất, bởi người ấy đã mang quá nhiều tổn thương và đớn đau do người khác hay là do bản thân ta tạo ra.

Chúng ta vẫn cứ mãi vô tình làm thương tổn, làm đau nhói người khác, lần này tới lần khác, dù có thể rằng họ đã cố gắng vùng vẫy, đã cố gắng gửi một lời kêu cứu, dù chỉ nhỏ nhoi thôi, nhưng ta đã quá vô tâm không hề nhận ra.

Vậy làm sao có thể chữa lành vết thương mà ta đã gây nên cho nhau?  Làm sao hàn gắn những đổ vỡ do yếu đuối chúng ta, làm sao có thể chữa lành những tổn thương mà ta đã gây cho nhau?  Bởi cuộc sống chung thường có nhiều va chạm, vì thế đôi khi sẽ để lại trong quan hệ giữa người với người biết bao vết thương lòng.  Có một câu ai kia đã nói là: “Mỗi một tội lỗi trong đời sống chúng ta là một vết nứt xé nát tâm hồn ta và gây nên đau khổ cho tha nhân.”

Mỗi một lần xung đột, mỗi một lần cãi nhau, bực bội nhau, là một vết rạn nứt trong những quan hệ và nó thường để lại nỗi đau trong lòng của mỗi người. Mỗi một tranh chấp, cãi cọ giữa gia đình, người thân, bạn bè là một vết nứt trong tình thân và tình bằng hữu.

Thế nhưng cuộc sống con người là vậy.  Và chúng ta đừng bao giờ bi quan về những va đập hằng ngày và trong cuộc sống; mà mỗi người hãy cùng nhau khắc phục cho nó tốt hơn, đẹp hơn.  Chuyện đã tới, dù có oán trách, dù giận dỗi nhau; thì cũng chỉ khoét thêm nỗi đau cho nhau.  Nhưng nếu chúng ta biết lợi dụng nó, nếu chúng ta biết khéo léo và kiên nhẫn sửa chữa nhau, nếu chúng ta biết bao dung và quảng đại hơn, thì những vết nứt kia, những tổn thương kia – có thể là những căng thẳng, những bất hòa, những va chạm, những tranh chấp kia, sẽ là khởi điểm cho một tương quan mới, một cuộc sống mới tươi đẹp hơn, tốt lành hơn.

Lời Chúa tuần thứ hai Phục Sinh cũng cho chúng ta thấy khi hiện ra với các tông đồ, Chúa Giêsu không hề nhắc tới những chuyện đáng tiếc đã xảy ra: Chúa đã không hỏi và cũng không nhắc lại việc Phêrô, kẻ đã chối mình ba lần; Chúa cũng chẳng nhắc đến việc các tông đồ hèn nhát bỏ chạy nơi vườn Giệtsêmani; Chúa cũng chẳng trách móc Tôma, một môn đệ bi quan, cố chấp luôn đòi sự kiểm chứng các dấu đanh nơi tay và cạnh sườn Ngài.  Không những Chúa đã quên hết tất cả mọi yếu đuối, mọi sai phạm của các tông đồ; mà Ngài còn ban ân sủng của lòng thương xót để các ông được bình an.  Chính Lòng thương xót Chúa đã chữa lành vết thương nơi tâm hồn yếu đuối của các môn đệ.  Nhờ đó mà lòng các tông đồ tràn đầy hân hoan, và đã chuộc lại lỗi lầm bằng việc, cởi bỏ con người cũ, bước ra khỏi căn phòng đầy sự sợ hãi, để ra loan báo Chúa Kitô Phục Sinh và tin mừng tình thương của Chúa cho đến tận cùng trái đất.

Hôm nay lễ kính Lòng Thương Xót Chúa là dịp để chúng ta nhìn vào tình thương Chúa.  Nhìn lại cả dòng lịch sử cứu độ, chúng ta nhận ra rằng, trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người – có hai chiều trái ngược nhau, nhưng lại song hành bên nhau – đó là: một bên là con người yếu đuối tội lỗi và đầy bất trung; còn bên kia lại là một Thiên Chúa đầy quyền năng – Ngài luôn nhẫn nại, luôn giàu lòng thương xót, và luôn sẵn sàng tha thứ.   Dù con người bất trung, tội lỗi, thì lòng trung tín và thương xót của Chúa luôn được trao ban, luôn được dâng hiến cho con người. 

Thánh Phaolô đã nói “Nơi nào tội càng nhiều, thì ân phúc của Chúa càng ngập lụt”.  Yếu đuối của con người luôn nhận được sự nâng đỡ vô biên của ân sủng và lòng thương xót.   Tội lỗi làm cho con người phải chết, thì tình yêu và lòng thương xót của Chúa lại càng lớn lao để cứu thoát, và mở ngỏ cho con người có lối để quay về.

Sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho con người là vô giới hạn.  Ơn tha thứ khắc sâu nơi bản tính của Thiên Chúa.  Lòng thương xót của Chúa luôn sẵn sàng cho đi, luôn sẵn sàng cống hiến, vì thế dù chúng ta thường xuyên phạm tội, thường xuyên xa ngã, thì Thiên Chúa vẫn luôn dang rộng cánh tay, để đón nhận chúng ta trở về, nếu chúng ta biết hối cải để ăn năn trở về. 

Hôm nay trong Chúa Nhật kính lòng thương xót Chúa, ước gì mỗi người chúng ta luôn đủ tin tưởng vào Lòng Thương Xót của Chúa, để ta luôn biết khiêm tốn chạy đến với Chúa, để đón nhận ân sủng, đón nhận tình thương của Ngài.  Bên cạnh đó, nơi lòng thương xót và tha thứ của Chúa, thì chúng ta không chỉ tới lãnh nhận, mà chúng ta còn được mời để trở nên những tông đồ cho lòng thương xót bằng cách đem sự tha thứ, đem lòng bao dung và bác ái, vào giữa thế giới đang còn nhiều thờ ơ, vô cảm, ích kỷ, và hận thù hôm nay.  Để nhờ đó, mỗi người chúng ta có thể nối lại tình người và cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Con người chỉ có thể ngày càng mang tính người hơn, nhân văn hơn khi nào chúng ta đưa vào trong mọi quan hệ giữa người với người bằng sự tha thứ, bằng sự bao dung và nhân ái theo Tin Mừng.  Cuộc sống con người và trong các mối quan hệ: dù ở trong gia đình hay ở ngoài xã hội, không thể nào xây dựng trên sự ghen ghét, đố ky, hận thù, mà cần lắm sự chân tình và lòng thương xót.   Chúng ta cùng cầu xin Chúa là Cha đầy lòng thương xót và từ bi, giúp mỗi người chúng ta hôm nay, nhận ra lòng thương xót của Chúa luôn dành cho mỗi người chúng ta, nhờ đó mỗi người chúng ta cũng có thể tỏ lòng thương xót, bao dung, và tha thứ đến với anh chị em chung quanh, nhất là đối với gia đình và người thân của mình. 

Lm. GB Nguyễn Đình Hoàng