Nguyên Nhân Gây Bệnh Béo Phì

Nguyên nhân gây ra bệnh béo phì vô cùng phức tạp, có một số nhân tố vẫn còn đang phải cân nhắc và thảo luận, ví dụ như nhân tố di truyền, nhân tố về ăn uống, nhân tố thói quen sinh hoạt... Trong đó nguyên nhân trực tiếp dẫn đến căn bệnh béo phì chính là do năng lượng hấp thụ vào cơ thể nhiều hơn năng lượng bị tiêu hao đi, khiến cho lượng mỡ tích lũy trong cơ thể ngày càng nhiều hơn.

Cho đến nay, kết luận về nguyên nhân gây bệnh béo phì vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Chưa có kết luận cụ thể nào về nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh béo phì, nhưng người ta đã tổng kết và đưa ra được những nhóm nguy cơ gây bệnh béo phì. Đó là:

Yếu tố di truyền: Những năm gần đây, người ta đã ghi nhận được rằng, trong gia đình những người sinh đôi, hoặc cha, mẹ, con bị bệnh béo phì thì có sự tham gia của gen di truyền đưa đến bệnh béo phì. Cụ thể, trong gia đình nếu cả cha và mẹ bị bệnh béo phì thì có tới 80% nguy cơ con bị bệnh béo phì. Còn nếu cha hoặc mẹ bị bệnh béo phì thì có 50% con cái sinh ra bị béo phì.

Yếu tố xã hội: Trên thực tế, nhóm người có thói quen ít vận động hoặc tính chất công việc ít vận động, ăn nhiều thường có nguy cơ bị béo phì cao hơn những nhóm người có tính cách năng động, ăn uống điều độ hợp lý.

Sự rối loạn nội tiết và chuyển hóa: Những người bị bệnh rối loạn nội tiết và chuyển hóa như u vỏ thượng thận, mãn kinh, rối loạn chuyển hóa đường, rối loạn mỡ máu sẽ kích thích tạo mô mỡ. Các mô mỡ hình thành trong cơ thể khiến cho sự gia tăng nhu cầu về chất đường, kéo theo gia tăng nhu cầu Insuline, sự gia tăng hai chất này lại kích thích tạo mô mỡ và hình thành một vòng xoắn bệnh lý rất khó điều trị.

Yếu tố tâm lý: Đó là các vấn đề ăn uống quá mức, những người biếng ăn nhưng lại ăn nhiều về đêm đi kèm với mất ngủ, từ đó dẫn đến tình trạng rối loạn giữa lượng thức ăn đưa vào cơ thể và năng lượng tiêu hao trong quá trình hoạt động, gây ra tích tụ mỡ và tăng trọng lượng cơ thể.

Các yếu tố tăng trưởng của cơ thể: Cả 2 thể: tăng kích thước của tế bào mỡ và tăng số lượng tế bào mỡ đều dẫn tới sự gia tăng khối lượng cơ thể dẫn đến béo phì. Ở độ tuổi trưởng thành, béo phì hầu như là do tăng kích thước tế bào mỡ và việc giảm cân nặng ở những đối tượng này cũng dễ dàng hơn, chỉ cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn đưa vào cơ thể, kết hợp luyện tập thân thể và kết hợp sử dụng một số loại thuốc là được. Ngược lại, ở độ tuổi thiếu niên bị béo phì (thường là tăng số lượng tế bào mỡ hoặc kết hợp với tăng kích thước tế bào mỡ), việc giảm cân ở những đối tượng này thật sự khó khăn, nhiều trường hợp gần như là không chữa được.

Hoạt động thể lực: Thời đại kinh tế phát triển, có đây đủ tiện nghi cùng là yếu tố khiến cho con người lười hoạt động hơn, từ đó làm tăng nguy cơ dẫn đến thừa cân, béo phì hơn.

Các thương tổn trên não bộ: Những trường hợp bị béo phì đến từ nguy cơ này rất hiếm gặp. Sự tổn thương vùng dưới đồi có thể gây ra bệnh béo phì.

Tóm lại, nguyên nhân gây ra bệnh béo phì vô cùng phức tạp, có thể do di truyền, các nhân tố về ăn uống, sinh hoạt … Trong đó có 1 vấn đề mà chúng ta nên lưu ý đó là khi năng lượng hấp thụ vào cơ thể nhiều hơn năng lượng bị tiêu hao đi, khiến cho lượng mỡ tích lũy trong cơ thể ngày càng nhiều hơn, dẫn đến thừa cân, béo phì. Vậy cách mà chúng ta có thể can thiệp là làm thế nào để tiêu hao năng lượng hấp thụ vào cơ thể, để 2 chỉ số này ở mức gần như tương đương, sự tích tụ mỡ không còn nữa, đó là cách đẩy lùi bệnh béo phì ra xa chúng ta.

(Tổng hợp)

Nếu bạn muốn giảm cân, xin đọc bài "Phương Pháp Giảm Cân Có Hiệu Quả"