Bài Giảng Mùng I Tết: Ngày Cầu Bình An

Giảng thuyết: Lm. GB Nguyễn Đình Hoàng

 

Hôm nay, ngày đầu năm âm lịch, 2021 - năm nay năm Tân Sửu - năm con Trâu.  Trong ngày đầu năm mới này, thì truyền thống, phong hóa ở đâu: dù là Ta hay Tây; Á hay Âu, thì ai cũng mong muốn cho mọi sự được tốt đẹp, được bình an.  Người Phật Giáo thì họ đi chùa cầu an.  Còn Người Công Giáo chúng ta thì ngày đầu năm, chúng ta tới nhà thờ để dâng Lễ, cầu nguyện xin Chúa chúc lành và ban nhiều ơn lành, ơn bình an trong năm mới.  Người không có đạo, khi gặp nhau cũng chúc nhau bình an trong những ngày đầu năm.  Thời này, với công nghệ thông tin điện tử như phone, facebook, thì người ta lên mạng chúc Tết nhau.  Nếu mà giờ chúng ta mở phone, lên facebook, thì chúng ta thấy đầy lời chúc Tết.  Chúc thì có nhiều lời chúc; người chúc điều này, người chúc điều kia…thế nhưng trong lời chúc nào cũng đều có an khang và bình an.  Giống như có người viết lời chúc như thế này:

 

Cùng nhau chúc như ý

Hứng cho trọn an khang

Chúc năm mới bình an

Cả nhà đều sung túc

Cho nên chúng ta mới thấy, chữ “an” luôn đứng đầu trong mọi ước muốn của con người: dù cho là người quyền thế hay kém thế; giàu sang hay bần cùng, sung túc hay đói rách - tất cả đều mong muốn được sống bình an.  Vì dù có lắm tiền nhiều của, dù quyến thế vinh quang, mà không có “bình an” thì cũng bằng không vậy.

Và mặc dù con người luôn ao ước được sống luôn “bình an”; thế nhưng từ xưa đến nay, con người vẫn luôn sống trong lo lắng và bất an.  Nhìn vào cuộc sống và thế giới chúng ta đang sống hôm nay: biết bao nhiêu biến động đã làm cho cuộc sống con người mất an khang, mất bình an.  Nào là thiên tai, nhân tai, rồi bạo động, rồi dịch bệnh.  Cơn đại dịch Covid 19 đã làm cho tất cả con người trên thế giới rối loạn bất an.  Bên cạnh đó, còn gia đình, việc nhà, việc công sở, việc xã hội, cộng thêm biết bao áp lực đang đè nặng trên vai và trên cuộc sống hằng ngày - khó để cho chúng ta tránh khỏi những lo lắng và bất an.

Sống trong bình an, sống trong sự an khang là một khát khao và là ước muốn chính đáng.  Giáo hội cũng luôn mong muốn có sự bình an. Chính vì thế, Giáo hội đã dùng ngày mùng một tết để mời gọi mọi người chúng ta cùng cầu nguyện xin Chúa ban bình an cho năm mới.  Rồi trong mỗi thánh lễ, Giáo hội luôn cầu chúc bình an của Chúa đến với mọi người, và mời gọi mọi người hãy chúc bình an cho nhau.  Và vì thế, mà có lẽ không có gì tốt đẹp hơn cho cuộc sống con người bằng sự bình an

Để lời cầu chúc “bình an” trong năm mới được trở thành hiện thực nơi mỗi người, nơi mỗi gia đình, nơi xã hội, thì mỗi người chúng ta phải là người biết kiến tạo sự bình an đó.   Nhiều người nghĩ rằng phải kiếm thật nhiều tiền, rồi mua thật nhiều bảo hiểm: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm y tế… họ cho rằng sở hữu càng nhiều bảo hiểm thì con người càng bình an.  Kỳ thực thì khi mà ta mua các loại bảo hiểm đó, thì lại càng chứng tỏ ta đang mất bình an và đang còn lo lắng. 

Hôm nay, Chúa Giêsu giúp mỗi người chúng ta tìm được sự bình an.  Chúa Giêsu nói với chúng ta trong bài tin mừng hôm nay “Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai.  Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.  Lời Chúa hướng ta đến sống giây phút hiện tại.  Vì thế, muốn diệt lo lắng, muốn đẩy lùi sự bất an, thì ta hãy tập sống giây phút hiện tại.  Quá khứ thì đã qua, tương lai chưa đến, giây phút đẹp nhất là giây phút hiện tại.

Rồi Ngài nói tiếp “các con đừng lo lắng mà nói rằng: chúng ta sẽ ăn gì…uống gì…mặc gì.  Tất cả các điều đó, dân ngoại tìm kiếm; nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến các điều đó.  Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài”.  Cho nên, nên tảng cho một đời sống bình an là chúng ta đừng có lo lắng áy náy nhiều về phần xác và cho cuộc sống đời này.  Chúa biết những lo lắng cơm áo gạo tiền cũng cần thiết cho cuộc sống nhân sinh của con người, nhưng đối với Chúa, những cái đó là thứ yếu, cái quan trọng hơn là phải tìm kiếm nước Thiên Chúa và một đời sống công chính.  Vậy thì sống công chính và tìm kiếm nước Chúa chính là nền tảng cho một đời sống bình an. 

Chúa chính là nguồn bình an - mà tìm kiếm Chúa và gặp gỡ được Chúa là chúng ta sẽ có được bình an.  Hay nói một cách khác - tìm về với Chúa là chúng ta tìm về bến bình an.  Còn khi chúng ta xa hay sống xa Chúa là chúng ta đang sống trong sự bất an. 

Dầu biết là về bên Chúa là có bình an; thế nhưng con người yếu đuối, tội lỗi, rồi cộng thêm cái ăn cái mặc, với cuộc sống sinh nhai - nó làm cho chúng ta lao vào cuộc sống như những con thiêu thân - rồi ta xao lãng trong trách nhiệm với Chúa, chúng ta xa Chúa, xa nhà thờ, bỏ bê các việc đạo đức…rồi nhiều khi vì những đam mê cá nhân, tính ích kỷ - để rồi chúng ta  xao lãng trách nhiệm đối với gia đình: với vợ chồng, với cha mẹ, với con cái, với người thân.  Từ đó ta đánh mất đi cái sự bình an của mình, dẫn đến đời sống gia đình bất ổn, mất hạnh phúc.

Cho nên trong ngày đầu năm mới này, mỗi người chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự bình an, và nhất là cho chúng ta có một tâm hồn cởi mở, để chúng ta biết trở về với Chúa, biết tìm kiếm Chúa trong hành trình đời người của mình.  Mặc dù giữa cuộc sống có quá nhiều bề bộn, có quá nhiều biến động, có quá nhiều sự việc xấu đang xảy ra, thì người Kitô hữu chúng ta luôn biết đặt niềm tin tưởng, niềm cậy trông, và niềm phó thác vào Chúa.  Mặc dù trong kiếp sống nhân sinh của con người: cơm áo gạo tiền, làm cho chúng ta phải thao thức trắc trở, lo lắng áy náy - thế nhưng người Kitô hữu tin rằng: chúng ta có một Thiên Chúa là Cha đầy lòng nhân ái - Ngài luôn quan tâm và luôn ban những điều cần thiết cho con cái Ngài.  Ngài luôn đồng hành và chia sẻ cuộc sống của từng người chúng ta. 

Vì thế trong ngày đầu năm mới, xin cho mỗi người chúng ta luôn biết tìm kiếm Thiên Chúa và luôn biết phó thác tất cả đời ta, gia đình ta trong sự quan phòng yêu thương của Chúa chúng ta.  Vì chỉ có Chúa mới mang lại cho cuộc sống chúng ta sự an khang và bình an đích thực.  Tôi cầu chúc quý cụ, quý ông bà, và toàn thể giáo xứ một năm mới được nhiều ơn lành của Chúa, nhất là sự bình an của Chúa luôn ở mãi trong lòng và trong cuộc sống của từng người và từng gia đình chúng ta.

Lm. GB Nguyễn Đình Hoàng

* * * * *   * * * *